Lễ Đại Tường Đức Thượng Thủ và Hiệp Kỵ Lịch Đại Tăng Thống 2023

Sáng ngày 8 tháng 4 năm Quý Mão, Sau buổi cung đón Phật Đản PL 2567 tại Tổ Đình Quốc Ân- Huế. Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa Đại Đức Tăng Ni và Đồng bào Phật tử cùng thân lâm về Chùa Phước Thành- Huế để cử hành Lễ Đại Tường và Hiệp Kỵ Lịch Đại Tăng Thống.
Buổi Lễ Diễn ra vô cùng trang nghiêm và trọng thể, và trước Linh Đài của Đức Thượng Thụ, Chư Tôn Đức Tăng Đoàn GHPGVNTN cùng nhau phát nguyện kế thừa di sản của Lịch Đại Tổ Sư, Chư Vị Tăng Thống và Đức Thượng Thủ.
Nhân đây chúng ta cùng nhìn lại tiểu sử của Đức Thượng thủ Tăng Đoàn GHPGVNTN.

TIỂU SỬ

(1931-2021)
TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG thuợng LỆ hạ CHÂN HIỆU THIỆN HẠNH
THƯỢNG THỦ HĐCM TĂNG ĐOÀN GHPGVNTN,
TRÚ TRÌ CHÙA KIM QUANG.
NGUYÊN CHÁNH THƯ KÝ VIỆN TĂNG THỐNG,
NGUYÊN PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN HÓA ĐẠO,
NGUYÊN CỐ VẤN BAN CHỈ ĐẠO VIỆN HÓA ĐẠO,
NGUYÊN CHÁNH ĐẠI DIỆN GHPGVNTN THỪA THIÊN HUẾ.
Trưởng lão Hòa thượng họ NGUYỄN, húy THANH BÌNH.
Ngài sinh ngày 26 tháng Giêng năm Tân Mùi (ngày 14.3.1931), tại thôn Mỹ Duyệt hạ, xã Thanh Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Thân phụ là cụ ông Nguyễn Như Hưng ( ? -1954)
Thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Huấn ( ? -1948)
Hai cụ sinh hạ được 4 người con (2 trai, 2 gái), Ngài là con thứ hai, sau Ngài là 2 người em gái.
Năm 11 tuổi (Nhâm Ngọ, 1942), Ngài được thân phụ đem đến chùa Đặng Lộc, ở Quảng Bình, xin xuất gia thọ giáo với Hòa thượng trú trì Thích Định Tuệ. Được Bổn sư đặt pháp danh LỆ CHÂN, pháp tự THIỆN HẠNH. Thể nhập đời thứ 42 dòng Thiền Lâm tế Chánh tông, đời thứ 12 dòng Thiền Đạo Mẫn Mộc Trần.
Năm Quý Mùi,1943, Ngài theo hầu Bổn sư vào hành đạo tại tỉnh Quảng Nam. Sau khi Bổn sư trở lại Quảng Bình, Ngài ở lại Huế và xin nhập Chúng chùa Báo Quốc, để tiếp tục tu học.
Năm Bính Thân,1956, Ngài thọ Tam đàn Cụ túc tại giới đàn chùa Báo Quốc.
Năm Đinh Dậu,1957, Ngài theo học tại Phật học viện Trung Phần, Hải Đức, Nha Trang. Năm Canh Tý, 1960, Ngài tốt nghiệp chương trình Cao đẳng Phật học và được Giáo hội Tăng già Thừa Thiên ủy cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Hàm Long (1). Năm Tân Sửu,1961, Ngài tốt nghiệp Văn bằng Tú tài toàn phần và theo học hai năm tại Đại học Văn khoa Huế. Năm Quý Mão,1963, Năm Cấp Trị sự Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, ủy cử Ngài vào chỉ đạo cuộc tranh đấu tại một số tỉnh miền Nam Trung Phần. Đến tỉnh Phú Yên, thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam một thời gian mới tha về.
Năm Giáp Thìn, 1964, sau khi GHPGVNTN Thừa Thiên thành lập, Ngài được Giáo hội giao trọng trách”Đặc ủy Giáo dục”và làm Giáo thọ Phật học đường Báo Quốc, Huế.
Từ năm Bính Ngọ,1966 đến năm Ất Mão,1975, GHPGVNTN Thừa Thiên, thỉnh cử Ngài làm Hiệu trưởng Trường Trung học Bồ Đề Thành Nội, Huế.
Từ năm 1974 đến năm Tân Dậu,1981, Ngài đảm nhận chức vụ Phó Ban Đại diện kiêm Chánh Thư ký Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa Thiên.
Đầu năm Kỷ Mùi,1979, đức Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN – Trưởng lão Hòa thượng Thích Giác Nhiên – viên tịch. Ngài phụng soạn bản Tiểu sử của đức Tăng Thống đăng trong tập Kỷ yếu.
Năm Tân Dậu,1981, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương GHPGVNTN, khai mạc Hội nghị Bất thường tại Tổ đình Từ Đàm, Huế, Ngài được thỉnh cử làm Thư ký cho Hội nghị lịch sử này. Sau Hội nghị, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống có”Thư mời”Ngài cộng tác trong Văn phòng của Viện. Suốt thời gian 16 năm cộng tác với Hòa thượng Chánh Thư ký, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống, Ngài đã tích cực đóng góp nhiều công lao cho Văn phòng của Viện.
Năm Nhâm Thân,1992, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Chánh Thư ký, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống viên tịch. Trong dịp này, Trưởng lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Quyền Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, tiếp nhận”Ấn tín”và”Chúc thư”, kế tục ngôi vị Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống. Ngài được chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện cung thỉnh giữ chức vụ Chánh Thư ký Viện Tăng Thống. Cũng trong năm này, Ngài sang Pháp vấn an Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và thăm viếng Phật tử Làng Mai. Sau khi Ngài từ Pháp trở về, thì mọi sinh hoạt của Phật giáo Thừa Thiên Huế gặp vô vàn khó khăn. Từ đó, chư tôn Giáo phẩm Thừa Thiên Huế, quyết định thành lập”Tăng đoàn Phật giáo Thừa Thiên Huế”và cung thỉnh Ngài giữ chức vị Trưởng Tăng đoàn.
Năm Quý Dậu, 1993, Tăng đoàn quyết định thành lập “Viện Cao đẳng Chuyên khoa Phật học Thừa Thiên Huế” và cung thỉnh Ngài giữ chức vị Viện trưởng. Suốt 15 năm, trong trách nhiệm Viện trưởng, Ngài cùng Ban Giám viện và chư vị Giáo thọ sư không chỉ nỗ lực cống hiến tài năng, trí tuệ để xây dựng nên một Viện Cao đẳng Chuyên khoa Phật học lừng lẫy với hơn 400 học Tăng ưu tú lúc ra trường, mà còn để lại một dấu ấn sâu đậm trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam về một trung tâm đào tạo Tăng tài nghiêm túc và có chất lượng học tập cao nhất giữa lúc tình hình sinh hoạt của Phật giáo Huế gặp nhiều gian nan, thác thức.
Năm 2001, Ngài cho ấn hành “Tập san Nghiên cứu Phật học Thừa Thiên Huế” và làm Chủ nhiệm Tập san này suốt gần 10 năm.
Năm 2003, Đại hội Bất thường GHPGVNTN, tại tu viện Nguyên Thiều, tỉnh Bình Định, chư tôn Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng viện cung thỉnh Ngài vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống.
Năm 2004, Thượng tọa Thích Toàn Lạc, trú trì chùa Kim Quang, Huế, viết Giấy cúng chùa Kim Quang cho GHPGVNTN, để làm cơ sở sinh hoạt. Nhân danh Trưởng Tăng đoàn, Ngài ấn ký chấp nhận.
Năm 2005, Ban Đại Diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế chính thức thành lập, chư tôn đức cung thỉnh Ngài giữ chức vị Chánh Đại diện.
Năm 2008, đức Đệ tứ Tăng Thống GHPGVNTN – Trưởng lão Thích Huyền Quang – viên tịch. Ngài phụng soạn “Bản Tường thuật Tang lễ” với đầy đủ chi tiết lịch sử.
Năm 2009, Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, chính thức tiếp nhận chùa Kim Quang và cung thỉnh Ngài giữ chức vị trú trì kiêm Trưởng ban Quản trị. Qua năm 2010, Ngài và Ban Quản trị quyết định trùng tu ngôi Tăng xá để có nơi sinh hoạt cho Tăng chúng, nhưng công việc mới khởi công đã bị đảng và chính quyền Thừa Thiên Huế đến ngăn cấm, đành bỏ dở một thời gian.
Năm 2011, Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, quyết định thành lập “Phật học viện Kim Quang” cơ sở đặt tại chùa Kim Quang và cung thỉnh Ngài giữ chức Viện trưởng.
Năm 2013, vì chướng duyên và những bất đồng quan điểm lãnh đạo Giáo hội, Ngài cùng chư tôn đức trong Hội đồng Lưỡng viện, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương đã dâng “Thư từ nhiệm” lên đức Đệ ngũ Tăng Thống. Ngày 19.12, Ngài cùng 22 vị tôn đức Ban Đại diện GHPGVNTN Thừa Thiên Huế, gởi Thông bạch về việc giải thể Ban Đại diện, chuyển về sinh hoạt Lâm thời với danh xưng Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Đến ngày 04.4.2014 trong phiên họp khoáng đại tại chùa Phước Thành, Huế đã quyết định thay đổi danh xưng Tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho phù hợp với mọi điều kiện sinh hoạt.
Ngày 24.04.2014, qua bản Công bố số 001/HĐCM/CB/TT, toàn thể chư tôn đức Hội đồng Lưỡng viện, Hội đồng Giáo phẩm Trung ương đã yết ma suy cử Ngài lên ngôi vị Thượng Thủ Hội đồng Chứng minh Tăng đoàn GHPGVNTN.
Suốt bảy năm ở ngôi vị Thượng Thủ, Ngài đã không ngừng lèo lái con thuyền Tăng đoàn Giáo hội vượt qua nhiều sóng gió, đã không ngừng kết nối sự hòa hiệp chư Tăng trong nước và hải ngoại một cách tốt đẹp. Nhờ đó mà Tăng đoàn GHPGVNTN Hải ngoại cũng đã có nhiều tiến triển khả quan trong mọi sinh hoạt.
Trong sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, dù có nhiều người xin xuất gia thọ giáo với Ngài, nhưng Ngài đều gởi đến chư tôn đức trú trì các chùa nhờ tiếp nhận. Ngài chỉ có vài ba đệ tử, nhưng đều được Ngài tận tình chăm nom giáo dưỡng, nên những vị đệ tử này cũng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp Hoằng dương Chánh pháp. Trong suốt thời gian hơn 50 năm (1960-2013), Ngài vừa làm Hiệu trưởng hai trường Bồ Đề, vừa đảm nhận nhiều công việc nặng nề của Giáo hội, nhưng Ngài vẫn không quên dành thì giờ giảng dạy Kinh luật cho Tăng Ni, Phật tử tại Phật học đường Báo Quốc và các Đạo tràng ở Huế. Qua đó, có thể thấy, số chư Tăng Ni sinh và cư sĩ Phật tử tại Thừa Thiên Huế theo học với Ngài trong khoảng thời gian trên cũng lên đến con số ngàn. Có thể nói, trong sự nghiệp Nhiếp hóa đồ chúng, Ngài đã chu toàn trách nhiệm cao quý của một vị Bổn sư, của một bậc Giáo thọ, đúng như hoài bão và tâm nguyện lớn lao của Ngài khi còn ngồi trên ghế Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang.
Trong sự nghiệp trước tác, dịch thuật, dù bận rộn với bao công việc khó khăn của Giáo hội, nhưng Ngài vẫn dành thì giờ vào việc trước tác, dịch thuật nhằm góp phần vào bộ Thánh giáo Việt Nam, cũng như để có tư liệu giảng dạy cho Tăng Ni, Phật tử. Ngoài ra, Ngài còn viết nhiều bức Thông bạch, Thông điệp, Tâm thư, gởi các cấp lãnh đạo Giáo hội, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước. Hàng trăm bức Kiến nghị thư, Thỉnh nguyện thư, Thư yêu cầu, Kháng thư…gởi các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam, để đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng của GHPGVNTN. Có thể nói, Ngài là một trong ba “tác gia” đã viết tâm thư, Kiến nghị thư, Thỉnh nguyện thư, Kháng thư v.v… cùng nhiều văn bản bức thiết khác trong một giai đoạn đầy nhiễu nhương, nóng bỏng nhất của lịch sử Phật giáo và lịch sử dân tộc…
Những ngày tháng cuối đời, dù tuổi cao sức yếu, nhưng thân không bệnh, trí tuệ lại vô cùng minh mẫn. Thời gian gần đây, như “dự tri thời chí” nên vào lúc 05h00, ngày mồng 10 tháng 4 năm Tân Sửu (ngày 21.5.2021), Ngài cho gọi mời chư tôn đức trong Tăng đoàn đến để Ngài thăm hỏi và căn dặn những điều cần yếu. Đến giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì Ngài an nhiên xả báo thân. Ngài ra đi một cách nhẹ nhàng như Ngài đang ngủ. Hưởng thọ 91 tuổi (theo âm lịch), và 65 Hạ lạp.
Cung tán: Cuộc đời của Ngài trong Chín mươi mốt năm trụ thế, dù gặp thuận duyên hay nghịch cảnh, nhưng trên bước đường xuất gia học đạo, Hoằng pháp lợi sinh, đào tạo Tăng tài và bảo tồn mạng mạch Chánh pháp Ngài đã thể hiện rất rõ nguyện lực kiên cường, hùng tâm bất thối của một vị Đại Tỷ kheo giữa lúc pháp nhược ma cường.
Trên đường xuất gia học đạo, dù gặp nhiều chướng duyên, nhưng Ngài vẫn quyết tâm hoàn thành sở nguyện với mảnh bằng Cao đẳng Phật học ở Phật học Viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang và Chứng chỉ hai năm Văn khoa tại Viện Đại học Huế. Trong sự nghiệp Hoằng pháp lợi sinh, Ngài cũng dấn thân không biết mệt mỏi để gánh vác nhiều Phật sự lớn lao mà Giáo hội giao phó. Từ một vị Hiệu trưởng của hai ngôi trường Bồ Đề đầu tiên ở Việt Nam, một vị Giáo thọ sư nhiều năm liên tiếp ở Phật học đường Báo Quốc, Mười lăm năm làm Viện trưởng Viện Cao đẳng chuyên khoa Phật học danh tiếng một thời ở Tổ đình Từ Hiếu, rồi giảng dạy Phật pháp cho các Đạo tràng tại chùa Linh Quang, cùng nhiều lớp học của tổ chức Gia đình Phật tử…
Đến nhận lãnh trách nhiệm nặng nề của một vị “Đặc ủy Giáo dục”, một vị Phó Đại diện kiêm Chánh Thư ký Giáo hội tỉnh Thừa Thiên liên tiếp hai nhiệm kỳ, một vị Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni, một vị Phụ tá thường trực đầy tài năng của Đại lão Hòa thượng Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, rồi ở ngôi vị Chánh Thư ký Viện Tăng Thống, Cố vấn Ban Chỉ đạo Viện Hóa đạo, Chánh Đại diện GHPGVNTN tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau khi Tăng đoàn GHPGVNTN thành lập, chư tôn đức Giáo phẩm cung thỉnh Ngài lên ngôi vị Thượng Thủ Hội đồng Chứng minh cho đến năm Ngài viên tịch.
Gánh vác bao nhiêu trọng trách nặng nề trên đôi vai, trong một giai đoan đầy biến động của lịch sử dân tộc và Phật giáo Việt Nam như thế. Với muôn vàn khó khăn, thách thức của một Giáo hội truyền thống đang bị chính quyền xem như một tổ chức tôn giáo hoạt động “bất hợp pháp”, nên đã thẳng tay đánh phá khắp mọi lúc, mọi nơi, hòng “xóa sổ” cho được Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất này. Thế nhưng, Ngài cùng chư tôn Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội đã không ngừng vận dụng tài năng, trí tuệ, ý chí kiên cường, dõng mãnh, để giữ vững lập trường và sẵn sàng đấu tranh đòi hỏi sự sống còn của một Giáo hội Phật giáo truyền thống đã đồng hành vẻ vang cùng Dân tộc suốt dòng lịch sử 2000 năm.
Trong sự nghiệp Nhiếp hóa đồ chúng, Ngài không chỉ làm tròn nhiệm vụ cao cả của một vị Bổn sư, của một vị Đại Tỷ kheo Giáo thọ. Suốt hơn 50 năm miệt mài, chăm chỉ giảng dạy Kinh luật cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử ở Phật học đường Báo Quốc, ở các Đạo tràng tại Thừa Thiên Huế, mà Ngài con để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về cả Ngôn giáo và Thân giáo cho nhiều thế hệ Tăng Ni, Phật tử khi được theo học với Ngài.
Chín Mươi Mốt Năm – hiện thân vào cõi Ta-bà ác trược, đầy nỗi thống khổ của con người trong kiếp nhân sinh, Ngài không chỉ để lại trong lòng chư tôn đức Tăng Ni và đồng bào Phật tử Việt Nam một niềm kính mến lúc sinh tiền, một nỗi ngậm ngùi thương tiếc lúc Ngài an nhiên xả báo thân…mà Ngài còn để lại một niềm ngưỡng vọng vô biên, một sự khát khao cầu học ở một vị Giáo thọ sư đầy tài năng, đức độ, một nếp sống tu hành thanh tịnh, giản dị, khiêm cung vô cùng cao quý của Ngài. Ngày nay, Ngài đã an nhiên đi vào cõi Niết bàn tịch tịnh, nhưng sự nghiệp Hoằng pháp kỳ vĩ và đạo phong miên mật, ý chí kiên cường của Ngài vẫn rạng rỡ trong lòng Dân tộc và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
Nhất tâm đảnh lễ
NAM MÔ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, QUỐC ÂN PHÁP PHÁI,
SUNG VIỆT NAM PHẬT GIÁO THỐNG NHẤT GIÁO HỘI TĂNG ĐOÀN
THƯỢNG THỦ HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH, KIM QUANG TỰ TRÚ TRÌ,
HÚY THƯỢNG LỆ HẠ CHÂN HIỆU THIỆN HẠNH
GIÁC LINH TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG
Tác đại chứng minh.