THÔNG BẠCH VU LAN BÁO HIẾU-NĂM GIÁP THÌN PL 2568 – DL 2024_HT Thích Viên Định

TĂNG ĐOÀN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

HỘI ĐỒNG ĐIỀU HÀNH

Chùa Giác Hoa, 15/7 Nơ Trang Long, Phường 7, Q. Bình Thạnh, TP Sài Gòn

Chùa Phước Thành, 160 Phan Chu Trinh, P. An Cựu, T.P. Huế

PL: 2568 Số: 004/HĐĐH/TB/VT

 

THÔNG BẠCH VU LAN BÁO HIẾU

NĂM GIÁP THÌN PL. 2568 – 2024

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.
Kính bạch Chư tôn trưởng lão Hòa thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng, Ni.
Kính thưa toàn thể quý Thiện nam Tín nữ Phật tử trong và ngoài nước.
Kính thưa quý liệt vị,
Mùa Vu lan Báo hiếu lại về, khơi dậy lòng tưởng nhớ, và tri ơn đến công đức sinh thành của cha mẹ. Đây là nền tảng đạo lý ngàn đời, chẳng những của người con Phật mà của tất cả người dân Việt Nam nói riêng, nhân loại nói chung.
Lễ hội Vu lan Báo hiếu của Phật Giáo hằng năm vào dịp tháng Bảy là nét văn hóa đặc trưng gắn bó mật thiết với tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Đêm thắp nến tri ân công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ là hình ảnh vô cùng thiêng liêng, nhiệm mầu khó tả.
“Công cha như núi Thái sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn đạo hiếu mới là đạo con”.
Câu ca dân gian mộc mạc, đơn sơ nhưng vô cùng sâu xa nói lên hết được ý nghĩa tinh thần hiếu đạo. Trong Kinh Tăng Chi Bộ còn có dạy rằng: Cha mẹ được ví như những ngọn lửa đáng cung kính, vì chính người cha, người mẹ đã đem lại sự sống cho những người con, như ngọn lửa đem lại nguồn nóng, sức sống cho loài người.
Trong Kinh Phụ Mẫu Báo Ân chỉ dạy rõ ràng, chi tiết về công ơn khó nhọc của cha mẹ đối với con cái, cũng như sự hỗ tương mật thiết trong sự sống qua hình ảnh Đức Phật lạy đống xương khô. Đức Phật đề cao hiếu đạo và dạy chúng ta luôn tâm niệm: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật, Cha mẹ tại tiền như Phật tại thế”. Kinh Vu Lan Bồn trình bày hình ảnh Ngài Mục Kiền Liên tìm cách cứu mẹ thoát khỏi cảnh thống khổ ở địa ngục, là bộ Kinh tiêu biểu không những dạy về tâm hiếu đạo mà còn dạy chúng ta nhận thức về khía cạnh nhân quả, nghiệp báo, luân hồi và bộ Kinh nầy hiện được phổ biến, lưu hành rộng rãi cho đến ngày nay.
Nói rộng hơn, Đức Phật dạy chúng ta tri ân báo hiếu cha mẹ cũng là khuyến tấn chúng ta khởi tâm từ bi cứu giúp muôn loài, qua giáo lý nghiệp báo, luân hồi, nhân quả, chúng ta thấy sự sống trên hành tinh nầy là một khối cộng sinh, hỗ tương mật thiết, không thể nào tồn tại một đời sống cô lập vượt ra ngoài quy luật sinh tồn của nhân loại trong cả phương diện vật lý cũng như tâm lý, tồn tại là tồn tại trong lý duyên khởi, “vì cái này có nên cái kia có…”. Vì vậy, nói tri ân cha mẹ tức là tri ân muôn loài, cứu giúp muôn loài tức là cứu giúp cha mẹ vậy.
Nhân loại ngày hôm nay đạo đức băng hoại, nhân phẩm xuống cấp tột cùng, xã hội đang hiện hành trên nền tảng lừa dối và bạo lực, công lý không còn hiện hữu trong niềm tin dân chúng, chánh tà lẫn lộn trong nhận thức của mọi người, điều đó nói lên rằng nền văn minh mà nhân loại đang theo đuổi là thiếu nền tảng đạo đức, vì nền tảng đạo đức xã hội bắt đầu từ gia đình, gia đình có đạo đức, có lễ nghĩa, nhân ái thì xã hội tất có đạo đức, có lễ nghĩa nhân ái.
Hiếu nghĩa là nền tảng của gia đình, gia đình có Hiếu nghĩa là gia đình hạnh phúc, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới hạnh phúc, gia đình không có Hiếu nghĩa là gia đình bất hạnh, gia đình bất hạnh sẽ dẫn đến xã hội bất hạnh.
Đó là lý do đức Phật muốn răn dạy chúng ta qua câu chuyện Mục Kiền Liên vào địa ngục cứu mẹ.
Những bậc lãnh đạo tinh thần ngày nay cần phải xét lại, nhận thức lại về định hướng giáo dục thế hệ trẻ để họ có đủ trí tuệ và đạo đức nhận lãnh sứ mệnh là người giữ gìn và tiếp nối cho mai sau, đó chính là bản thệ và mục đích hy hiến to lớn “phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật” theo đúng chánh pháp.
Ngày Vu Lan báo hiếu là cách Phật khuyến cáo chúng sinh rằng: Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ quan trọng nhất của loài người, nó bảo đảm cho một xã hội trường tồn trong môi trường nhân bản và đạo đức mà không một hệ thống an sinh xã hội nào có thể thay thế.
Ngày xưa các dân tộc như Trung quốc, Nhật Bản, Cao Ly và Việt nam đề cao và giáo dục thế hệ trẻ xây dựng một môi trường gia đình mà ở đó các thế hệ tiếp nối sống hài hoà với nhau trong hạnh phúc, tương kính và Hiếu nghĩa, hình ảnh gia đình “Tứ Đại Đồng Đường” bảo đảm cho một xã hội vừa văn minh vừa hài hoà bình ổn, ít có chuyện người già phải lang thang ăn xin nơi đầu đường xó chợ và gởi thân dưới gầm cầu cho qua một kiếp người.
Ngày hôm nay tuy nhân loại giàu có hơn, xã hội hiện đại hơn nhưng hiện tượng cha mẹ ông bà bị bỏ rơi là bi kịch phổ biến trên toàn thế giới.
Ở Việt nam ngày nay thì con cái tranh chấp tài sản kế thừa của ông bà cha mẹ nhưng ít có ai coi việc phụng dưỡng ông bà cha mẹ là trách nhiệm thiêng liêng cao quý chứ không phải là một gánh nặng, một xã hội quá thực dụng khi mọi người chỉ nghĩ cho bản thân mình, ít có ai hiểu rằng hôm nay mình là con cháu nhưng 50 năm sau thì mình là ông bà cha mẹ.
Nếu xã hội không được xây dựng trên nhận thức, thế hệ sau có trách nhiệm đạo đức với thế hệ trước, thì tính nhân bản không còn, nguồn mạch xã hội sẽ bị đứt gãy, tính tương tục bị gián đoạn, nền tảng đạo đức sẽ bị đổ vỡ, xã hội sẽ rơi vào hỗn loạn của đời sống cầm thú.
Ngày Vu Lan báo hiếu là một sự tiên liệu và cảnh báo mà đức Phật đã khai thị cho nhân loại để tránh tình trạng tự huỷ diệt nếu thế hệ sau cắt đứt mối liên hệ và trách nhiệm của mình với thế hệ trước.
Rất tiếc thông điệp này của đức Phật, nhân loại vẫn chưa lãnh hội được để thực hành, cho nên thế giới ngày nay bị nhấn chìm trong hỗn loạn và bất hạnh vì khủng hoảng đạo đức.
Nhân loại ngày hôm nay vẫn chưa nhận thức được rằng, xã hội loài người tồn tại và phát triển được khi tính kế thừa và tinh thần trách nhiệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và nếu ai cũng tri ơn và phụng dưỡng cha mẹ mình và tôn trọng cha mẹ người khác thì nhân loại sẽ thái hoà.
Không chỉ có Phật giáo mà Khổng giáo cũng đề cao chữ Hiếu khi nói “bách hạnh hiếu vi tiên” ( Trăm hạnh Hiếu làm đầu).
Kinh Vu Lan bồn là triết lý sâu xa của Phật về sự liên hệ giữa đạo Hiếu và sự phát triển của nhân loại..
Cuối cùng những người con Phật cần hiểu: Ngày Vu Lan báo biếu là một thông điệp khẳng định rằng tinh thần trách nhiệm và đạo hiếu chính là nền tảng cho sự trường tồn của nhân loại chứ không chỉ là Lễ hội.
Ngày Vu lan Báo hiếu cũng là ngày Phật hoan hỷ, cầu nguyện cho thế giới hòa bình, nhơn dân an lạc, chư Tăng hòa hợp, Phật pháp trường tồn.
Nhân mùa Vu lan Báo hiếu, thay mặt Tăng đoàn GHPGVNTN, chúng tôi xin gửi lời chúc mừng Khánh tuế đến toàn thể chư tôn Thiền đức được tròn đầy giới thể, đạo hạnh viên mãn, qua sự nỗ lực tấn tu trong ba tháng An cư Kiết hạ. Kính chúc toàn thể Thiện nam, Tín nữ Phật tử trong và ngoài nước một mùa Vu lan hiếu hạnh an lạc, vạn sự cát tường.
Nam Mô Vu Lan Thắng Hội, Đại Hiếu Mục Kiền Liên Tôn Giả Tác Đại Chứng Minh.
Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, Mùa Vu Lan Năm Giáp Thìn – 2024.
T. M. Hội Đồng Điều Hành
Tăng Đoàn GHPGVNTN
Viện Trưởng
(Đã ấn ký)
Tỳ Kheo Thích Viên Định.